28/03/2017
Trong thập kỷ vừa qua, kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng nhờ vào chi phí năng lượng thấp. Việc tiêu thụ điện trung bình hàng năm trong giai đoạn 2010-2015 đã tăng trưởng với tốc độ hai con số và phát thải khí CO2 của Việt Nam cũng đã tăng gấp ba, phát triển với tốc độ nhanh nhất trong khu vực. Ngoài ra, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam là cao với tỷ lệ 15-50%. Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Trong Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc COP21 ở Paris năm 2015, Việt Nam cam kết giảm 8% phát thải khí nhà kính vào năm 2030, thấp hơn nhiều so với Philippines 70%, Singapore 36%, Indonesia 26% và Thái Lan 20%. Con số này sẽ lên đến 25% nếu Việt Nam nhận được sự hỗ trợ có hiệu quả của cộng đồng quốc tế.
Chiến lược phát triển Năng lượng tái tạo (RE) của Việt Nam đã đặt ra mục tiêu phát triển tổng sản lượng điện từ năng lượng mặt trời sẽ tăng từ 10 triệu kWh trong 2015 lên 1,4 tỷ kWh vào năm 2020; 35,4 tỷ kWh vào năm 2030 và 210 tỷ kWh vào năm 2050. Thị phần của năng lượng mặt trời trong tổng sản lượng điện sẽ tăng từ khoảng 0,5% vào năm 2020 lên 6% trong năm 2030 và 20% vào năm 2050. Các sửa đổi trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 đã đề ra các mục tiêu về năng lượng mặt trời một cách rõ ràng, cụ thể là tổng công suất là 0,8 GW vào năm 2020 và 12 GW vào năm 2030. Do đó, tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời là rất hứa hẹn. Quyết định về việc hỗ trợ cơ chế để phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian sắp đến với đề xuất giá bán điện (FIT) là 9,2 USD cent/kWh đối với trang trại năng lượng mặt trời và năng lượng mặt trời áp mái nhà sẽ cao hơn 25% so với các trang trại năng lượng mặt trời. Việc này sẽ mở ra một sân chơi cho năng lượng tái tạo và cũng hứa hẹn thời kỳ bùng nổ của năng lượng mặt trời trong thời gian tới.
Nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những thập kỷ tới do dân số tăng. Tại thành phố Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam, dân số dự kiến đạt 1,65 triệu vào năm 2020 gần gấp đôi dân số năm 2010. Sự tăng trưởng tại thành phố Đà Nẵng sẽ tạo thách thức trong cân bằng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng và dịch vụ. Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có những cam kết mạnh mẽ để phát triển đô thị carbon thấp, áp dụng kế hoạch xây dựng thành phố môi trường vào tháng 8 năm 2008. Thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua đã thể hiện cách thức quản lý việc phát triển kinh tế nhanh mà không làm tăng mức tiêu thụ năng lượng hoặc khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Như chúng ta biết, thành phố Đà Nẵng là một nơi thích hợp để khai thác năng lượng mặt trời với tiềm năng to lớn có thể thu được năng lượng mặt trời với số giờ nắng hàng tháng trung bình 177 và trung bình năng lượng mặt trời hàng ngày là 4,89 kWh/m2. Kết quả là, Đà Nẵng đã được xếp hạng là thành phố tiềm năng khai thác năng lượng mặt trời thứ 5 trong số 16 tỉnh, thành khảo sát ở Việt Nam. Rõ ràng là Đà Nẵng được ưu đãi về tiềm năng năng lượng mặt trời lớn.
Tuy nhiên, việc thiếu các chính sách giá điện năng lượng mặt trời là nguyên nhân chính cho việc giảm thu hút đầu tư trong lĩnh vực này vì nó không gây được chú ý đối với các nhà đầu tư tư nhân. Việc ban hành các chính sách khuyến khích và khuôn khổ thích hợp cho phát triển năng lượng mặt trời từ Chính phủ không chỉ giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tư nhân và thậm chí cả các hộ gia đình có thể hưởng lợi từ các chính sách và tiếp cận các hỗ trợ tài chính để đầu tư vào năng lượng mặt trời. Bên cạnh đó, việc tiếp cận năng lượng sạch như năng lượng mặt trời để nâng cao nhận thức của người dân. Những rào cản này sẽ được thay đổi thông qua việc thực hiện dự án “Phát triển năng lượng mặt trời tại thành phố Đà Nẵng” (gọi tắt là "DSED").
Mục tiêu chính của Dự án DSED là đóng góp vào sự gia tăng khả năng tiếp cận đối với các nguồn năng lượng mặt trời tại thành phố Đà Nẵng nhằm phát triển bền vững. Các hoạt động của Dự án bao gồm 3 hợp phần:
Hợp phần 1: Hỗ trợ phát triển các chính sách và quy định về năng lượng mặt trời, đẩy mạnh các dịch vụ liên quan đến năng lượng mặt trời đến người tiêu thụ cuối cùng và khuyến khích nghiên cứu về năng lượng mặt trời.
Hợp phần 2: Hỗ trợ đầu tư việc lắp đặt thí điểm các hệ thống điện năng lượng mặt trời tại một số địa điểm như trung tâm y tế địa phương, trường học và một số hộ không có điện lưới.
Hợp phần 3: Xây dựng năng lực và trao đổi, phổ biến kiến thức về năng lượng mặt trời cho các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, nhà quản lý năng lượng, nhà đầu tư tư nhân và những người có liên quan thông qua đào tạo trực tiếp, tham quan tìm hiểu, trưng bày, giới thiệu các công nghệ phù hợp, bí quyết, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiềm năng ứng dụng tại thành phố Đà Nẵng.
Thời gian thực hiện dự án từ tháng 7/2017 đến tháng 4/2020.
Xuất phát từ việc thực hiện thành công nhiều mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời ở các vùng nông thôn, như tại Trung tâm y tế huyện Hòa Vang, máy nước nóng năng lượng mặt trời đã không chỉ giúp giảm chi phí điện năng mà còn đảm bảo vệ sinh trong việc sơ cứu và điều trị y tế, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao Công nghệ (DECC) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng đã đề xuất dự án này với Ủy ban Châu Âu. Và Ủy ban Châu Âu (EC) đã tài trợ cho dự án “Phát triển năng lượng mặt trời tại thành phố Đà Nẵng” với nguồn kinh phí là 393.000 euro.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng đã có Quyết định số 981/QĐ-UBND ngày 23/02/2017 phê duyệt tiếp nhận và giao cho DECC là đơn vị tiếp nhận và thực hiện dự án.
Hy vọng, dự án “Phát triển năng lượng mặt trời tại thành phố Đà Nẵng” sẽ góp phần tăng khả năng tiếp cận năng lượng mặt trời ở Đà Nẵng thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, các mô hình lắp đặt năng lượng mặt trời thí điểm và các hoạt động nhân rộng, xây dựng năng lực, trang bị kiến thức không chỉ đối với các cơ quan quản lý, cơ quan xây dựng chính sách mà còn có nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tư nhân và thậm chí cả các hộ gia đình được hưởng lợi từ dự án. Dự án này sẽ đóng vai trò xúc tác trong việc khởi xướng và tiên phong trong việc phát triển năng lượng mặt trời tại thành phố Đà Nẵng và sau đó được nhân rộng trên toàn quốc.
Huỳnh Sang